ĐIỀU GỌI LÀ SỰ DỮ

Huyền thoại kể rằng, lúc đầu các thiên thần mang đầy ơn nghĩa và vinh quang Chúa. Các ngài được ngắm dung nhan Chúa, được cầu nguyện và đầy hạnh phúc. Nhưng Lu-zi-fer, một trong những thiên thần bên cạnh Chúa, đã sa chước cám dỗ kiêu căng và muốn chống lại Chúa. Lu-zi-fer và đồng bạn vì thế phải sa hoả ngục.

Cố gắng giải thích sự dữ đó của huyền thoại Kinh Thánh cho tới nay vẫn không ổn. Hiện nay các nhà khoa học quan sát thấy nơi con người có hiện tượng «gia tăng sự man rợ khả nghiệm và của tính xấu không thể hiểu nổi ». Thánh Phao-lô đã mô tả: “Tôi lỗi luật, sự dữ hiện diện trong tôi, mặc dầu tôi muốn làm điều lành ». Người ta còn kể, Luther* đã thấy sự dữ, nghĩa là đã thấy Sa-tan, bằng xương bằng thịt, và ông đã ném bình mực vào đầu Sa-tan. Câu hỏi nền tảng : Tại sao Chúa lại dựng nên Sa-tan ? Tại sao Ngài lại dựng nên cho chính Ngài một đối thủ ?

Câu chuyện sa hoả ngục trên không do Kinh Thánh trực tiếp kể, nhưng bắt nguồn từ nhiều bản văn được hình thành theo thời gian. Nhưng Kinh Thánh có nói tới các thần dữ. Lúc đầu đề cập ít, nhưng về sau càng lúc Kinh Thánh càng cho thấy bên cạnh thần lành còn có thần dữ, chúng tác động vào thế giới và con người, làm hại con người, và có thể nói muốn lôi con người đi xuống.

Nhưng không thể nói Chúa tạo ra Sa-tan. Câu chuyện Lu-zi-fer sa hoả ngục mới hình thành sau này. Nó muốn nói lên rằng, rõ ràng không phải Chúa tạo nên các lực thần dữ. Các lực này xuất hiện rõ nét trong câu chuyện  Đức Giê-su trừ quỷ. Chúa chỉ tạo nên thần lành. Và sự dữ không bao giờ là một cái gì độc lập, song nó chỉ xuất hiện như là phủ định của một sự lành. Chỉ trong tương quan với sự lành mới có sự dự, chứ một mình sự dữ thì không có.

Cơn cám dỗ đã như thế nào ?

Nhắc lại : Chúa đã không tạo ra vua sự dữ nào cả, Ngài chẳng cần có một Chúa đối lập nào đứng bên cạnh. Điều Ngài đã tạo ra, là tự do và hoàn cảnh trong đó nhiều khi ta không thấy rõ được tự do đó.

Kinh Thánh cho hay, những lực thần dữ đó có thể là gương soi cho ta. Qua chúng, ta có thể nhận ra cái nguy hiểm của tự do có hình thù dễ sợ như thế nào. Hình thù đó có dạng như sau : Tạo vật càng lớn, nó càng muốn có nhiều độc lập, càng muốn bớt bị lệ thuộc và muốn mình trở thành một thứ chúa tể, chẳng cần nhờ ai giúp nữa. Đây là lúc xuất hiện í muốn bất cần đời, mà ta gọi là kiêu ngạo.

Luôn luôn có cám dỗ nơi loài linh thiêng. Cám dỗ đó xuất hiện như một thứ ngược đời : nó khiến người ta coi tình yêu là lệ thuộc, chứ không phải là quà tặng để tôi được sống. Nó khiến người ta coi tình yêu không như là nguồn lực sự sống nữa, mà như cái gì hạn chế sự độc lập của mình.

Bằng cách nào có thể nhận ra sự dữ ?

Có lẽ phải nói, chẳng bao giờ có thể chứng minh được quỷ. Nhưng ta biết, ngoài tính xấu nơi con người ra, còn có những rối loạn và phá hoại trong tạo dựng, còn có một thứ lực ganh tị, nó muốn lôi ta đi và nhấn ta xuống. Đó là điều Kinh Thánh và đức tin Ki-tô giáo muốn ta phải í thức. Nhưng phải nhớ rằng, không bao giờ được nâng quỷ lên thành một nghịch chúa, vị này có thể đối đầu và chống trả lại Chúa. Cuối cùng rồi thì phủ định cũng chẳng có quyền lực gì. Sự dữ, tuy là một mối nguy và một cám dỗ thường trực, nhưng kì cùng nó không phải là đối thủ ngang hàng của Chúa. Ta phải luôn biết rằng, chỉ có Chúa là Chúa, và ai bám vào Ngài, kẻ đó chẳng cần sợ gì mọi quyền lực Sa-tan.

Hitler có phải là « Sa-tan bằng xương bằng thịt không », như một số người vẫn nói ? Sartre* có lần bảo: « Quỷ là Hitler, là Quốc-xã Đức ». Và triết gia gốc Do-thái Hannah Arendt*, khi nói về những hành vi tội ác của chủ nghĩa phát-xít, đã dùng một từ nổi tiếng để mô tả : «nỗi tầm thường của sự dữ ».

Quả thật lạ. Một tay lớn lên từ đáy tầng xã hội, chẳng học-thức gì, ăn không ngồi rồi, mà lại có thể làm dấy động cả một thế kỉ. Với cái nhìn thông suốt quỷ quái, i đã có những quyết định chính trị và đã có thể làm cho mọi người, ngay cả những kẻ trí thức, nghe theo.

Hitler là một hình tượng ma quái. Đọc lịch sử các tướng lãnh người Đức, ta thấy trong họ ai cũng muốn chống lại, nhưng rồi cuối cùng lại bị ông ta hớp hồn và không còn dám nói lên ý kiến riêng của họ nữa. Nếu nhìn thật gần con người mang nét mê hoặc ma quái đó, ta lại thấy i quả là một tay thật tầm thường. Và cuối cùng, chính vì quyền lực sự dữ cắm lều trong sự tầm thường, nên ta cũng nhận ra phần nào diện mạo của nó : sự dữ càng lớn, nó càng trở nên nghèo nàn, và kích thước lớn lao của nó thật ra chẳng lớn gì cả.

Có thể nói, Hitler cũng đã nhìn ra được trước những hoàn cảnh ma quái. Chẳng hạn, tôi đã đọc một phúc trình về việc chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh tụ phát-xít nước Í ở Berlin. Những người được uỷ thác công việc theo nhau đưa ra đề nghị. Nhưng rồi, sau một hồi lâu suy nghĩ, Hitler tuyên bố : « Không, mọi đề nghị đều trật lất. Tôi thấy phải làm như thế nào rồi ». Và rồi, như trong một cơn xuất thần, i nói ra toàn bộ kế hoạch, và kế hoạch đó cũng đã được thực hiện. Nghĩa là, đâu đó có một siêu lực ma quái khiến cho cái tầm thường trở nên lớn lao – và cái lớn lao trở nên tầm thường – và nhất là khiến nó trở nên nguy hiểm và phá hoại.

Chắc chắn không thể nói Hitler là một con quỷ. Ông ta là một con người. Nhưng, qua những tường trình đáng cậy của những người mắt thấy tai nghe, xem ra Hilter có những cuộc gặp gỡ với ma quỷ, i hay run lên và nói: “Nó lại tới kìa”, hoặc những câu đại loại như thế. Ta không thể tìm hiểu ngọn ngành được điều đó. Tuy nhiên, tôi tin, một cách nào đó, i có dính dáng với ma quỷ; điều này có thể thấy qua cách i sử dụng quyền lực, qua những khủng bố và đại hoạ do quyền lực của i gây ra.

Như thế nghĩa là nơi Chúa dứt khoát không có vực sâu, không có mặt tối? Không như kiểu nơi con người có “hai hồn ngủ gật trong lồng ngực tôi”?

Câu hỏi đó luôn được đặt ra trong lịch sử tôn giáo, ngay cả nơi các phong trào ngộ giáo trong lịch sử Ki-tô giáo. Carl Gustav Jung* cũng đã nhắc lại câu đó theo lối của ông, và tự hỏi, phải chăng đấng Tối hậu cũng lại phải mang trong mình hai khuôn mặt? và ông tiếp: Phải chăng Thiên Chúa này cũng đồng thời là một con quỷ? Phải chăng sự dữ bắt nguồn từ Ngài? Bởi vì, nếu sự dữ hiện hữu, thì nó hẳn phải là cái gì xuất phát từ nơi Ngài?

Câu hỏi này khiến cho thế giới trở nên thật đáng sợ, bởi vì Thiên Chúa quả đáng sợ.

Nhưng câu đó đã được Đức Ki-tô giải toả mọi thắc mắc, khi chính Ngài đã chết cho chúng ta, và qua đó cho ta thấy vực thẳm yêu thương nơi Thiên Chúa. Vì thế, thư Gia-cô-bê đã có thể viết: “Không có bóng tối nơi Ngài”, bóng tối đến từ một chỗ nào khác, chứ Chúa, trái lại, là nơi ta có thể hoàn toàn trông cậy; ma quỷ hay sự dữ không cắm neo trong Ngài, và vì thế, khi Chúa trở nên tất cả trong mọi sự, thì đấng Tối hậu sẽ là kẻ giải phóng khỏi mọi áp chế của sự dữ.

Dĩ nhiên ta phải đặt câu hỏi, nếu sự dữ không bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì nó từ đâu mà ra? Như vậy, nó làm sao có thể tồn tại? Nếu sự dữ không do Chúa, thì làm sao còn nói được Chúa là đấng tác tạo mọi sự? Ở đây, chúng ta lại đứng trước một vấn nạn vực thẳm. Câu trả lời của Ki-tô giáo và của Kinh Thánh là: Nó tới từ tự do.

Như vậy, sự dữ không phải là một tạo vật mới, nó không phải là một cái gì tự sinh tự tồn, nhưng, tự bản chất, nó là phủ định, nó là sự huỷ diệt thụ tạo. Nó không phải là một hữu thể, vì hữu thể chỉ xuất phát từ nguồn của mọi hữu thể, nhưng nó là cái không. Sức mạnh của cái không này quả làm cho chúng ta rùng mình. Nhưng, tôi tin rằng, ta cũng an tâm khi biết rằng sự dữ không phải là một tạo vật riêng rẽ, mà nó là một thứ cây chùm gởi. Nó sống nhờ kẻ khác, và rốt cuộc nó sẽ tự giết nó, như số phận cây chùm gởi, một khi nó trở thành ông chủ và giết kẻ bảo trợ mình.

Sự dữ không phải là thứ gì tự sinh, tự hữu, nhưng nó là phủ định. Và khi tôi để mình sa vào sự dữ, thì đó là lúc tôi bỏ không gian triển nở tích cực của hữu thể, để bước vào tình trạng ăn bám của phá hoại và phủ định hữu thể.